Đảo Hart – Nơi an nghỉ cho người chết vì COVID-19
Thứ Tư, ngày 22/04/2020 10:00 AM (GMT+7)
Nằm ở cuối phía tây đảo Long Island, thành phố New York, Mỹ, đảo Hart dài 1,6km, rộng 0,53km với nghĩa trang Cypress có hơn 1 triệu ngôi mộ, chôn cất những người bị dịch sốt vàng da (1870), dịch cúm Tây Ban Nha (1919), dịch AIDS (1981) và gần đây nhất là dịch cúm mùa 2008.
Cho đến tháng 3/2020, một lần nữa đảo Hart lại được dùng làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người chết vì COVID-19, hầu hết là người không nhà cửa, không thân nhân hoặc những người nghèo không đủ tiền để tổ chức an táng…
1. Ngược dòng thời gian, năm 1868, thành phố New York mua lại đảo Hart từ Chính phủ Liên bang (vốn là nơi đặt một nhà tù dùng để giam giữ các binh sĩ miền Nam trong cuộc nội chiến Nam - Bắc Mỹ) rồi cải tạo một phần của đảo thành một nghĩa trang, gọi là Cypress, rộng 600.000 mét vuông. Khi ấy, nghĩa trang này chuyên dùng chôn cất những tù nhân sẽ bị án tử hình trong tổng số hơn 10.000 tù nhân đang bị giam ở New York.
Khi dịch sốt vàng da bùng phát (1870), nghĩa trang Cypress được trưng dụng để mai táng những người xấu số nhằm ngăn cản không cho dịch bệnh lan tràn.
Toàn cảnh đảo Hart.
Đến dịch cúm Tây Ban Nha (1819) rồi dịch AIDS (1981) và dịch cúm mùa (2008), từ con số vài trăm ngôi mộ, nghĩa trang Cypress đã tăng lên 1 triệu mộ, trong đó có những ngôi mộ tập thể gồm vài chục chiếc quan tài đặt nằm cạnh nhau.
Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, trung bình mỗi ngày ở New York có khoảng 150 người chết vì nhiều lý do, chủ yếu là bệnh tật, tai nạn, già yếu, số ít chết do thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm hoặc tự tử. Lúc dịch COVID-19 bùng phát, con số này tăng gấp 3 - thậm chí có ngày tăng gấp 4 lần, phần lớn do nhiễm virus.
Nhiều người trong số họ không nhà cửa, sống dưới gầm cầu, bên lề đường, trong các đường hầm xe điện ngầm. Cũng không thiếu những người chết mà chẳng hề có thân nhân đến nhận xác. Bên cạnh đó, lắm người có địa chỉ cư trú rõ ràng nhưng gia đình chẳng đủ tiền thuê nhà đòn làm lễ an táng. Vì thế, họ phó thác cho Văn phòng Giám định Y tế New York (OCME).
Một quan chức thuộc văn phòng này cho biết trước đây, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, tử thi vô thừa nhận thường được bảo quản trong phòng lạnh 30 ngày, phòng khi có thân nhân tìm đến thì hiện nay, thời gian này rút xuống chỉ còn 15 ngày vì nếu kéo dài 30 ngày, các bệnh viện và các nhà tang lễ không còn chỗ chứa xác.
Nếu như từ năm 2008 trở về trước, việc chôn cất do các tù nhân tại nhà tù Rikers ở đảo kế bên đảm nhiệm thì từ giữa tháng 3 đến nay, New York đã huy động gần 120 công nhân nhà xác chuyên lo việc mai táng cùng sự hỗ trợ của hơn 100 binh sĩ thuộc Lực lượng vệ binh quốc gia và không quân vệ binh quốc gia, làm nhiệm vụ lái xe đến tất cả những nơi chứa xác trong thành phố rồi chuyển về đảo Hart.
Phóng viên Carrie Nooten tường thuật: "Cách duy nhất để đến đảo Hart là đi bằng thuyền. Cách đây 2 ngày, chiếc thuyền đầu tiên chở theo một container đông lạnh đã cập đảo. Hình ảnh gây ngỡ ngàng. Một đường hào dài đầu tiên vừa được đào xong, cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy những người đàn ông trong trang phục bảo hộ màu trắng xếp xuống hào những chiếc quan tài bằng gỗ thông thành hai dãy, mỗi dãy ba hàng rồi phủ đất lại. Nó diễn ra chỉ cách trung tâm thành phố Manhattan vài kilomet".
Vẫn theo phóng viên Carrie Nooten, thành phố đã tuyển dụng thêm nhiều lao động và việc đào huyệt được thực hiện bằng máy xúc thay vì bằng tay với cuốc xẻng. Lúc bình thường, trung bình mỗi tuần có 25 thi thể được chôn cất nhưng từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày họ chôn 25 xác và chôn liên tục 5 ngày trong tuần.
Chính quyền thành phố không khẳng định đó có phải là nạn nhân của COVID-19 hay không, nhưng một điều chắc chắn là những thi thể này được gửi đến đảo Hart để giảm tải cho các nhà xác của thành phố, hiện đang tăng gấp nhiều lần so với bình thường.
Theo ông Bill De Blasio, thị trưởng thành phố New York, thời gian tới có thể sẽ có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong, và: "Nếu cần phải có một nơi chôn cất, nó vẫn sẽ là đảo Hart".
Tuy nhiên, ông De Blasio xác nhận rằng các thi thể hiện đang được chôn cất ở Hart là những bệnh nhân chết vì nhiều lý do khác nhau nhưng không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không có người thân đến nhận, chứ không phải đảo Hart chỉ dành riêng cho bệnh nhân chết vì COVID-19.
Ông cũng nhấn mạnh thêm, kể cả khi người chết đã được chôn ở đảo Hart nhưng sau này, nếu thân nhân của họ muốn cải táng, họ có thể dựa vào thông tin viết trên nắp quan tài hoặc vào các xét nghiệm ADN, thi thể của họ sẽ được giao lại cho gia đình.
Ông De Blasio nói: "Chúng tôi mai táng họ với mọi biện pháp mà New York có thể cung cấp nhằm tôn trọng nhân phẩm họ vì họ là công dân của thành phố chúng tôi".
2. Với Patrick Marmo, chủ sở hữu 6 nhà tang lễ ở New York thì tuần lễ đầu tiên của tháng 4 quả là khủng khiếp. Phòng bảo quản thi hài trong mỗi nhà tang lễ của ông chỉ có thể chứa tối đa 6 xác nhưng ngày 6-4, con số này tăng lên 22. Mất thêm 3 ngày, các xe chở xác mới chuyển hết đi đảo Hart bởi lẽ cũng trong ngày 6/4, con số tử vong do COVID-19 ở New York đã hơn 600 người.
Tại một số bệnh viện trong thành phố, do không còn chỗ để chứa xác nên chính quyền phải huy động các container đông lạnh, xếp thành dãy dài để bảo quản xác. Những xác này sẽ được đặt ở đó trong suốt 15 ngày để chờ nhân thân đến nhận. Nếu sau thời gian nói trên mà vẫn không ai nhận thì xác sẽ được đưa đi đảo Hart.
Các đường hào dài là nơi chôn cất những người chết vì COVID-19.
Ông Vincent Mingalone, 47 tuổi, vốn là người bán hoa trong các tang lễ, nay chuyển sang phụ trách việc chôn cất trên đảo Hart từ giữa tháng 3 nói: "Ngày ít nhất tôi chôn 11 xác, còn ngày nhiều thì trên 20. Nó là công việc có lương thấp nhất, sau cả rửa xe. Tôi được trả 40USD/tuần nhưng tôi làm với tất cả sự tôn trọng".
Đứng dưới đường hào, cùng với 3 người nữa, ông Vincent Mingalone đón lấy những chiếc quan tài được chuyển xuống từ những chiếc xe tải. Sau đó, ông đối chiếu họ tên người chết được viết bằng bút chì sáp trên nắp hòm với họ tên trong danh sách bàn giao.
Ông nói: "Đó là người New York. Có thể họ là người vẫn thường giao bánh pizza cho chúng tôi hàng ngày, hoặc phục vụ cà phê cho chúng tôi ở một quán thức ăn nhanh, hoặc là người chuyên dọn dẹp các văn phòng. Lúc còn sống, họ có thể chưa bao giờ gặp nhau, biết nhau nhưng lúc ra đi, họ lại cùng về đảo Hart, cùng nằm sát cạnh nhau trong giấc ngủ đời đời...".
Ở Mỹ, chi phí cho một đám tang thường từ 20.000 đến 25.000USD tùy theo từng phần mộ; nhưng tại đảo Hart, chính quyền thành phố New York thanh toán 900USD cho mỗi trường hợp chôn cất, còn nếu hỏa táng thì con số này là 1.700USD. Điều chung nhất của tất cả nạn nhân được chôn cất tại đảo Hart là họ đều không có tang lễ ở nhà thờ hay ở nhà quàn, cũng không hề có thân nhân, bạn bè tiễn biệt.
Một phụ nữ xin giấu tên nói với tờ tạp chí Toàn cảnh - Panorama: "Chồng tôi đang nằm trong container đó nhưng tôi không dám nhận xác vì không đủ tiền chôn cất ông ấy. Tôi còn 3 đứa nhỏ phải nuôi. Hiện tại tôi đang thất nghiệp vì COVID-19 nên đành phó thác cho chính phủ. Sau này nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ đưa chồng tôi về nghĩa trang quê nhà".
Ông Ted Tunner, có vợ chết vì COVID-19 và được chôn ở đảo Hart phẫn uất: "Tại sao lại chôn người thân của tôi ở đó? Thành phố vẫn còn nhiều nghĩa trang kia mà! Nó sẽ khiến cho xã hội nghĩ rằng Hart là nơi dành cho dịch bệnh. Ai còn dám đến đó nữa chứ cho dù chính phủ nói rằng mai này sẽ biến nó thành công viên".
Melinda Hunt, người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận chuyên lo việc tổ chức mai táng những nạn nhân chết vì COVID-19 và được chôn trên đảo Hart nói: "Đây là nơi an nghỉ của những người không nhà cửa, không thân nhân và những người thu nhập thấp, gia đình họ không có khả năng để tổ chức một đám tang. Không phải là New York muốn như thế, nhưng họ không còn sự lựa chọn nào hết".
3. Thông tin về những hố chôn tập thể trên đảo Hart đã khiến nhiều người lo lắng, nhất là những người có thân nhân tử vong vì COVID-19, nhưng vì lý do nào đó, họ chưa nhận được xác. Ông McComick, quản lý một nhà tang lễ tại Rockland nói với tờ Thời báo New York: "Tối qua tôi phải gọi cho một gia đình, nói rằng nếu họ không đến nhận xác thân nhân họ thì tôi buộc phải chuyển giao xác cho Trung tâm kiểm dịch để nơi đây đưa đi đảo Hart. May mắn là sáng nay họ đến, nhờ chúng tôi tổ chức mai táng. Theo tìm hiểu của tôi thì chỉ trừ những người không nhà cửa hoặc những người quá nghèo, còn thì chẳng ai muốn thân nhân của mình chôn ở ngoài đảo...".
John Scalia, quản lý một nhà tang lễ ở Staten cũng phản đối việc chôn người chết tên đảo Hart rồi sau đó, nếu có thân nhân đến nhận, cái xác đã bị phân hủy lại được đào lên để bàn giao: "Khi ấy, không biết sẽ còn xuất hiện thêm dịch bệnh gì nữa. Vì vậy bảo quản tử thi trong kho lạnh vẫn an toàn hơn".
Container đông lạnh chứa tử thi trước một bệnh viện ở Bronx, New York.
Trong khi đó, trên toàn thành phố New York, ngày 9/4 đã ghi nhận mức kỷ lục với 799 ca tử vong vì COVID-19 chỉ trong 1 ngày; còn nếu so sánh với một số các thành phố ở Italy và Tây Ban Nha - là 2 quốc gia có số người nhiễm và tử vong cao không kém Mỹ, thì tỷ lệ tử vong ở New York lên tới khoảng 6%, cao hơn với mức 3,4% ở hai nước trên.
Theo bà Aja Worthy-Davis, người phát ngôn Văn phòng Giám định Y tế New York (OCME), cơ quan này chỉ có thể chứa từ 800 đến 900 thi thể trong các cơ sở của mình, và 4.000 thi thể trên 80 xe tải đông lạnh, còn nếu tính thêm các nhà bảo quản thi hài thuộc các cơ sở tang lễ cùng nhà xác của các bệnh viện, có thể lưu trữ được khoảng 3.600 xác. Vì thế, nếu không rút ngắn thời gian bảo quản cũng như không nhanh chóng tiến hành mai táng thì chuyện "vỡ trận" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chiều thứ Ba, ngày 14/4, OCME đã tổ chức một buổi họp với giám đốc của các nhà tang lễ và giám đốc các bệnh viện trên toàn thành phố New York. Trong buổi họp này, giám đốc các bệnh viện đề nghị thời gian bảo quản tử thi nên rút ngắn xuống còn 6 ngày thay vì 15 ngày như trước vì nếu không, hệ thống bảo quản sẽ quá tải nếu số người chết vẫn tăng lên. Với các giám đốc nhà tang lễ, cho đến lúc này họ vẫn phải trả tiền cho việc bảo quản tử thi nên họ đề nghị OCME cung cấp cho họ những container đông lạnh như ở các bệnh viện nhằm giảm bớt chi phí.
Cuối cùng, vẫn là sự lây truyền dịch bệnh nhanh như một cơn lốc. Ông Andrew Cuomo, thống đốc bang New York đã từng nhiều lần nói rằng New York và các quận ngoại ô của nó, gồm Nassau, Suffolk, Westchester và Rockland với mật độ dân cư đông đúc, cộng thêm số lượng du khách nước ngoài đến New York quá nhiều đã khiến nơi đây trở thành mảnh đất thuận lợi để bệnh dịch bùng phát: "Hàng triệu người đứng cạnh nhau trên các chuyến tàu điện ngầm đi về mỗi ngày, hàng triệu người khác ngồi chung trong các xe taxi hoặc xe hơi riêng nên việc duy trì khoảng cách cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm trở nên rất khó khăn, nhất là ở những vỉa hè chật hẹp. Điều này có nghĩa nếu có ai đó đang mang mầm bệnh thì gần như chắc chắn họ sẽ lây nhiễm cho những người khác".
Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Dao-Hart-Noi-an-nghi-cho-nguoi-chet-vi-COVID-19-591629/Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Dao-Hart-Noi-an-nghi-cho-nguoi-chet-vi-COVID-19-591629/
Một hòn đảo ở Mỹ vừa bất ngờ xuất hiện trở lại sau khi nó biến mất cách đây 2 năm.
No comments